Ngay khi tác động của tình trạng tồn đọng hàng và việc đóng cửa các cảng trong thời đại dịch vừa được giải quyết, thì hai tuyến đường vận tải xuyên lục địa quan trọng là kênh đào Suez và Panama lại đang phải đối mặt với những khó khăn mới trong việc duy trì giao thông thương mại.
So với những mùa “tiêu dùng” gần đây, việc lo ngại về lưu lượng hàng hóa có thể bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kỳ lễ Giáng sinh hay thậm chí là năm mới đã giảm đi, vì hầu hết các kho hàng tiêu dùng và thực phẩm đã được chuẩn bị trước đó từ cuối Quý 3/ 2023 tại các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn hiện nay đang tạo ra rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2024.
Khoảng 12% lưu lượng thương mại trên toàn cầu đều đi qua khu vực Biển Đỏ, nơi có kênh đào Suez ở phía Bắc và eo biển Bab-el-Mandeb ở phía Nam. Tính từ giữa tháng 11/2023, đã có hơn 10 tàu quá cảnh đã bị đe dọa hay thậm chí bị tác động bởi căng thẳng quân sự quanh khu vực Biển Đỏ. Lo ngại điều đó, nhiều công ty vận tải biển đã quyết định hoãn các chuyến đi xuyên khu vực này. Tập đoàn dầu mỏ BP cũng thông báo tạm dừng các chuyến hàng qua eo biển này với lý do là “tình hình an ninh chính trị ngày càng trở nên bất ổn”.
Đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa như dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hàng tiêu dùng, việc tắc nghẽn tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt, có thể dẫn đến sự tăng cao của lạm phát. Chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho một số tàu đi qua khu vực này cũng đang tăng lên.
Hãng Maersk cũng đã thông báo kế hoạch định tuyến lại các tàu xung quanh Mũi Hảo Vọng. Nếu những biện pháp như vậy tiếp tục, chi phí vận chuyển toàn cầu có thể tăng lên đáng kể. Theo nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển Clarksons, các tuyến đường vòng quanh châu Phi sẽ tăng thêm 3.200 dặm và mất thêm 9 ngày di chuyển trên một hành trình điển hình giữa châu Á và châu Âu.
Vấn đề tại kênh đào Suez cũng có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền với những vấn đề ở các vùng khác. Trên toàn cầu, kênh đào Panama đang phải đối mặt với tình trạng nước thấp do tác động của hạn hán. Theo Capital Economics, kênh đào này giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương chỉ hoạt động với 55% công suất bình thường. Điều này dẫn đến việc hạn chế vận chuyển trong những tháng tới và đồng thời khiến giá cước vận chuyển tăng lên. Kênh đào Panama thường chiếm 5% thương mại đường biển, đặc biệt là nhiên liệu và ngũ cốc từ Mỹ đến châu Á.
Các chuyên gia cho rằng, chừng nào 2 vấn đề này còn tồn tại thì nó sẽ tác động trực tiếp đối với lạm phát toàn cầu. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng của Fed New York đã cho thấy dấu hiệu tăng lên, mặc dù còn đang ở mức thấp. Đã có nhiều tranh luận được đưa ra để giảm thiểu tác động tiêu cực về mặt kinh tế, có ý kiến cho rằng cần phải có sự bảo vệ hải quân ngay tại Biển Đỏ.
Một số công ty đã đa dạng hóa các tuyến cung ứng sau đại dịch nhưng các tuyến đường qua kênh đào Suez và Panama lại có ít lựa chọn thay thế khả thi. Theo ước tính của nhóm phân tích thương mại MDS Transmodal, hơn một nửa số lượng vận chuyển container giữa châu Á và Bắc Mỹ trong quý III diễn ra qua các tuyến xung quanh hai kênh đào chính. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải đầu tư để nâng cao khả năng phục hồi của các điểm giao thương quan trọng, không chỉ về mặt an ninh mà còn về khả năng chịu đựng với biến đổi khí hậu, cũng như bằng cách cải thiện hiệu suất của các cảng và tuyến vận tải thay thế.
Dù đại dịch, xung đột Nga-Ukraine hay xung đột tại Irsael có thể chỉ là những sự kiện hiếm hoi, nhưng những cú sốc đối với kênh đào Panama và Suez chính là một cảnh báo rằng cùng với biến đổi khí hậu và rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, sự bất ổn trong chuỗi cung ứng vẫn sẽ là một thách thức để chúng tiếp tục bàn luận.
Theo Báo chí nước ngoài./.